Lượt xem 886
Văn hóa

Hương sắc Quảng Phú Cầu

Nằm bên dòng sông Đáy hiền hòa cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 30km, xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) từ lâu đã nổi danh với nghề làm tăm hương truyền thống. Tết Nguyên Đán cận kề, làng nghề Quảng Phú Cầu lại càng thêm nhộn nhịp

Nghề làm hương ở Quảng Phú Cầu đã tồn tại từ lâu đời và được truyền thừa qua hơn 100 năm. Ban đầu, chủ yếu chỉ có người dân thôn Phú Lương Thượng làm hương nhưng giờ quy mô đã được mở rộng ra hơn 2000 hộ ở các thôn Cầu Bầu, Đạo Tú…


Làm tăm hương là cái nghề liên quan đến tâm linh, chính vì thế những người làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu luôn đặt cái tâm lên trên hết, tỉ mỉ, kỳ công ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Vầu dùng làm tăm hương phải đủ độ tuổi và được sàng lọc cẩn thận.


Ảnh: VnE, Pháp luật và xã hội


Quy trình làm tăm hương được chia thành 3 công đoạn: làm bột hương, chân hương và se hương. Nguyên liệu chính để làm bột hương ở Quảng Phú Cầu là hỗn hợp bột quế, trấu và mùn cưa. Chân hương thường được làm từ vầu, tre, nứa, ngâm xuống ao trong 1 - 2 tháng, sau đó vớt lên rửa sạch rồi chẻ thành tăm. Trước đây, người thợ chẻ, tuốt, vót tăm hương hoàn toàn bằng tay, nhưng hiện nay công đoạn này đã có máy móc thay thế để tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả sản xuất.


Vầu chẻ xong sẽ được người thợ phân lớp và loại bỏ những que không đạt tiêu chuẩn. Những que chất lượng sẽ được đem đi nhuộm màu rồi phơi khô dưới nắng. Chân hương thường được nhuộm màu đỏ tươi bởi theo quan niệm của người phương Đông, màu đỏ là màu tượng trưng cho cát tường, phúc lộc.


Ảnh: Khánh Huy - Viết Niệm


Tăm hương sau khi được phơi khô sẽ được bó thành từng bó lớn rồi được chuyển đi khắp nơi để se thành hương thành phẩm. Bột để se hương cũng mỗi nhà mỗi khác, tùy theo bí quyết riêng. Người ta sẽ phơi hương se xong dưới nắng để giữ được mùi hương tự nhiên thay vì sấy khô. Bởi những người thợ ở đây chia sẻ nếu dùng cách sấy khô sẽ làm mất đi mùi hương đặc trưng. Chính nhờ vậy mà hương ở Quảng Phú Cầu luôn thơm mùi mộc, không đậu tàn vì không sử dụng hóa chất.


Ảnh: shuttestock, vtv


Công việc làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu nhộn nhịp quanh năm suốt tháng, nhưng rộn ràng hơn cả vẫn là vào những tháng giáp Tết. Thời điểm này, các cơ sở tại Quảng Phú Cầu nhà nào nhà nấy tất bật, rôm rả hơn ngày thường.


Nghe các cụ cao niên trong làng kể rằng nghề này ban đầu chỉ là nghề làm trong lúc nông nhàn. Nhưng đến nay, nghề làm tăm hương đã phát triển mạnh mẽ, trở thành nghề chính, đem lại nguồn thu nhập chính cho hàng nghìn hộ dân ở Quảng Phú Cầu. Hương Quảng Phú Cầu đã có mặt ở khắp nơi trên cả nước, góp phần giúp những ngôi nhà, mái chùa luôn ấm nồng hương thơm, đượm màu trang nghiêm, thành kính.


Ảnh: Khánh Huy - Viết Niệm


Trong hành trình khám phá Làng hương Quảng Phú Cầu, du khách sẽ có cơ hội ngồi lại cùng người dân địa phương, nghe họ kể về những điều kiện tiên quyết để làm nên những bó hương hoàn chỉnh. Nguyên liệu dùng để làm hương phải được lựa chọn cẩn thận bởi nghề này vốn mang nhiều yếu tố tâm linh, thế nên người dân chẳng dám làm qua loa, sơ sài.


Làng Quảng Phú Cầu hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều nét cổ kính đặc trưng của một làng quê đồng bằng Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình. Vài năm trở lại đây, Quảng Phú Cầu đã thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tới khám phá về nghề làm hương truyền thống cũng như để ghi lại những hình ảnh đẹp ở nơi này.


Ảnh: shuttestock


Migo tổng hợp

Nguồn ảnh: Nhiều tác giả
Có thể bạn cũng thích