Tháp Bằng An tọa lạc tại phường Điện An (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), cách Hội An 14km và cách TP Đà Nẵng khoảng 27km.
Theo các nhà nghiên cứu, tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ X, được dùng làm nơi thờ cúng và tế lễ. Bên trong tháp thờ thần Shiva (tượng trưng bằng Linga). So với các tháp Chăm còn lại, tháp Bằng An có kiến trúc độc đáo. Đây là ngôi tháp hình bát giác duy nhất còn lại cho đến ngày nay tại Việt Nam.
Cấu trúc tháp gồm 2 phần tiền sảnh và điện thờ. Phần tiền sảnh khá dài, cửa chính quay về hướng đông, hai bên hông có cửa phụ (năm 1940, người Pháp trùng tu thành hai cửa sổ), đế cao 3m, thân gồm các mảng tường thẳng đứng, mái là một khối chóp gồm bốn mặt cong, thu nhỏ dần về phía đỉnh.
Phần điện thờ cao gần 21m, gồm ba phần rõ rệt là đế, thân và mái. Đế và thân tháp hình bát giác, mỗi cạnh dài 4m. Tường tháp phẳng, không có cửa giả, trụ áp tường và hoa văn trang trí. Mái tháp hình chóp, tương tự mái của phần tiền sảnh nhưng lớn hơn.
Nhìn từ xa, phần điện thờ của tháp Bằng An trông như một khối Linga (vật dương) khổng lồ, còn mặt bằng của toàn bộ khu tháp lại giống hình ảnh của Yoni (vật âm).
Trước cổng chính của tháp, còn hai tượng Gajasimha (tượng voi sư tử) bằng sa thạch đeo lục lạc, là hai vị thần hộ pháp bảo vệ tháp.
Tháp Bằng An được xem là một trong những tác phẩm điêu khắc bằng gạch lớn nhất còn lại của nền văn hóa Chămpa một thời rực rỡ. Mặc dù kiến trúc khá đơn giản, họa tiết trang trí không cầu kì nhưng đây luôn được xem là một trong những ngôi tháp Chăm đẹp và kỳ lạ nhất.
Trải qua hơn nghìn năm lịch sử, tháp Bằng An vẫn đứng đó sừng sững dù qua bao thăng trầm của thời cuộc, dù nắng mưa, bão lũ và chiến tranh đã làm hư hại một số chi tiết. Cùng với thánh địa Mỹ Sơn và các tháp Chăm khác, tháp Bằng An là công trình kiến trúc tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật tuyệt đẹp, quý giá mà người Chăm để lại.
Ở vị trí gần Đà Nẵng và Hội An, tháp Bằng An là một địa điểm du khách không nên bỏ qua trên hành trình khám phá các điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh, nghệ thuật đặc sắc tại Quảng Nam.
Theo VNN