Để chuyến đi du lịch Sapa của bạn thêm trọn vẹn, hãy để Migo gợi ý cho bạn những trải nghiệm nhất định phải thử khi đến Sa Pa.
1 - Đi cáp treo lên đỉnh Đông Dương Fansipan
Một trong những trải nghiệm nhất định phải thử khi đến Sa Pa chính là khám phá nóc nhà Đông Dương Fansipan. Nếu trước kia hành trình này chỉ dành cho những ai đủ sức khỏe và mất 2-3 ngày để chạm tới đỉnh Fansipan. Tuy nhiên hiện nay, chỉ với 15 phút, bạn có thể dễ dàng khám phá địa điểm hấp dẫn này.
Bên cạnh đó là mãn nhãn trước thiên nhiên hùng vĩ và thỏa sức check-in với quần thể du lịch vô cùng ấn tượng dọc đường đi từ ga cáp treo lên tới đỉnh Fan trong quần thể Sun World Fansipan Legend.
Chinh phục “nóc nhà Đông Dương” luôn là hành trình không thể bỏ lỡ. Ảnh: Petrotimes.
Di chuyển từ thị trấn đến ga cáp treo
Từ trung tâm thị trấn Sa Pa, bạn có hai cách để di chuyển tới ga đi cáp treo.
Cách 1: Từ nhà thờ đá trung tâm, bạn di chuyển khoảng 3km để tới ga tàu hỏa leo núi Mường Hoa tại Sun Plaza. Sau đó di chuyển lên ga cáp treo bằng tàu hỏa leo núi. Tàu hỏa có thiết kế theo phong cách châu Âu tương đối ấn tượng. Ngồi trên tàu bạn có thể vừa tận hưởng cảnh đẹp của thung lũng Mường Hoa bên ngoài cửa sổ.
Thời gian di chuyển: 6 phút – Giá vé: 100.000vnd/lượt
Cách 2: Di chuyển bằng xe ôm hoặc đi bộ. Với những bạn muốn tận hưởng cung đường hơn, khám phá vẻ đẹp của Mường Hoa thì có thể thuê xe ôm (50.000-100.000vnd/lượt) hoặc đi bộ (mất khoảng 30 phút).
Thung lũng Mường Hoa tươi đẹp dọc tuyến đường của tàu hỏa leo núi Mường Hoa. Ảnh: fansipanlegend.sunworld.vn
Hành trình đi cáp treo lên đỉnh Fansipan
Cáp treo Fansipan dài 6292,5m nối từ ga cáp treo Hoàng Liên tới ga Fansipan. Được đánh giá là một trong những tuyến cáp treo an toàn hàng đầu thế giới, từ trẻ em đến người già đều có thể yên tâm khi sử dụng cáp treo. Qua 4 mặt cửa kính cabin, bạn có thể phóng tầm mắt ra và khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của thung lũng Mường Hoa bên dưới vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Từ ga Fansipan, bạn đi tiếp tàu hỏa leo núi hoặc leo bộ khoảng 600 bậc thang nữa để lên tới đỉnh núi với cột mốc 3142m và thỏa sức săn mây cùng tận hưởng vẻ đẹp hùng tráng nên thơ như chốn tiên cảnh.
Đặc biệt trên hành trình này, bạn có thể khám phá thêm nhiều điểm dừng chân tươi đẹp giữa lưng chừng trời như Bích Ân thiền tự, Kim Sơn Bảo Thắng Tự, cổng trời, tượng Phật A Di Đà khổng lồ… Đó là sự hòa quyện linh thiêng giữa các điểm du lịch tâm linh cổ kính trầm mặc và thiên nhiên hùng vĩ khiến con người chợt lắng lòng, chạm vào sự yên bình và bao dung đến bất tận của mẹ thiên nhiên.
Dọc hành trình leo Fansipan là rất nhiều điểm dừng chân thú vị để du khách khám phá. Ảnh: fansipanlegend.sunworld.vn
Các lưu ý khi chuẩn bị khám phá Fansipan
Đỉnh Fansipan nằm ở độ cao 3143m so với mực nước biển, độ cao và địa hình khiến thời tiết nơi đây tương đối khắc nghiệt, lạnh hơn so với thị trấn Sa Pa. Đặc biệt, nếu bạn du lịch Sa Pa tháng 12 hoặc tháng 1 còn có thể bắt gặp tuyết và băng giá.
Bởi vậy, để chuẩn bị cho chuyến khám phá Fansipan hoàn hảo, bạn nên theo dõi tình hình thời tiết trước khi đi khoảng 3 ngày để chuẩn bị chu đáo. Đồng thời, bạn nên chuẩn bị giày thể thao đế mềm, trang phục đủ ấm. Đừng quên mang theo tiền mặt để có thể trải nghiệm ăn uống, vui chơi ở Fansipan.
Thời gian cáp treo hoạt động: 8:30 – 16:00 hàng ngày
2 - Tắm lá thuốc của người dân tộc Dao đỏ
Nhắc đến những trải nghiệm nhất định phải thử khi đến Sa Pa không thể nào bỏ qua tắm lá thuốc Dao đỏ.
Đây là một trong những bài thuốc nam bí truyền của đồng bào dân tộc vùng cao này. Một nồi nước tắm lá thuốc “xịn” phải là nước tắm nấu bằng lá thuốc tươi, tạo bọt trắng xóa như xà phòng, và “say” khiến du khách nào một lần trải nghiệm cũng đều phải ngất ngây.
Tắm lá thuốc người Dao đỏ là một trong những trải nghiệm nhất định phải thử khi đến Sa Pa. Ảnh: vietnam.travel
Để có một nồi nước tắm chuẩn, người Dao đỏ phải lên rừng tìm đủ các nguyên liệu cần thiết và nấu ngay trong ngày. Một bài thuốc tắm lá của người Dao được pha chế từ ít nhất 10 loại lá khác nhau. Đặc biệt, những bài thuốc phức tạp có thể cần tới 120 loại thảo dược. Để từng loại phát huy công dụng cũng cần cách sơ chế khác nhau: có loại sử dụng tươi, có loại sao khô…
Đặc biệt, bồn tắm lá thuốc là thùng tắm làm từ gỗ Pơ-mu. Loại gỗ này không chỉ có mùi hương dễ chịu mà khi cộng hưởng cùng nước tắm nóng sẽ giúp các loại thảo dược phát huy được công dụng tốt nhất.
Để có nồi nước lá thuốc tắm, người Dao đỏ phải lên rừng để tìm đủ nguyên liệu là cascthaor dược “bí truyền”. Ảnh: vietnam.travel
Sau một ngày đi chơi, khám phá Sa Pa, được ngâm mình trong bồn nước tắm lá thuốc ấm vừa thư giãn gân cốt, vừa xua tan mệt mỏi, khí huyết lưu thông, đặc biệt là vỗ về xương khớp thì còn gì khoan khoái bằng.
Địa điểm hoàn hảo để bạn tận hưởng trải nghiệm này chính là tới bản Tả Phìn – bản của người Dao đỏ nổi tiếng tại Sa Pa – cách thị trấn khoảng 12km. Ngoài ra, bạn có thể trải nghiệm ở ngay thị trấn Sapa tại hệ thống spa của các khách sạn.
Lưu ý: người say rượu, phụ nữ có thai hoặc đang trong thời kỳ “đèn đỏ” không nên sử dụng thuốc tắm này. Đặc biệt, nếu đang tắm có cảm giác lâng lâng, lảo đảo, buồn ngủ thì nên dừng lại, nghỉ ngơi khoảng 15-20 phút, cơ thể sẽ trở lại bình thường.
Chi phí tham khảo: 120.000 – 250.000vnđ / lần
3 - Tham gia một phiên chợ tình Sa Pa
Nếu du lịch Sapa vào cuối tuần, một trong những trải nghiệm nhất định phải thử khi đến Sa Pa chính là tham gia một phiên chợ tình.
Trong nhiều vùng đất Tây Bắc, có người nói rằng chợ tình Sa Pa là có nguồn gốc lâu đời nhất. Tuy nhiên, thời gian chính xác thì không ai còn nhớ. Chỉ biết rằng, trước đây, mỗi tuần một phiên vào thứ 7, chợ Sa Pa họp. Tan chợ thì cũng là lúc xế chiều, không thể băng rừng về nhà, mọi người tụ họp quay quần cùng nhau, dần dần, tối thứ 7 chợ phiên trở thành nơi nam thanh nữ tú gặp nhau tìm hiểu, hẹn hò.
Chợ tình Sa Pa nằm ngay tại trung tâm thị trấn, cùng với việc Sa Pa dần trở thành điểm đến du lịch, chợ tình cũng trở thành địa điểm thu hút du khách.
Tại đây, du khách có thể bắt gặp những cô gái trang phục dân tộc sặc sỡ cùng vòng bạc, khuy bạc và những đồng bạc nhỏ lấp lánh trên khăn choàng váy áo. Những nụ cười, những điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc.
Những chàng trai sẽ nhảy múa hoặc hát khúc hát tỏ tình bằng tiếng địa phương rồi tặng quà kỷ niệm cho cô gái họ để ý. Cô gái không ưng bỏ quà chạy và bị nắm tay giữ lại, động tác này là một biểu hiện đặc trưng cho sự tỏ tình quyết liệt. Cho tới khi cô gái ưng cái bụng được một chàng trai nào đó thì cô gái sẽ dúi vào tay người đó một vật đính ước- có thể là chiếc nhẫn, vòng tay hay chiếc lược.
Sau khi đám đông đã giải tán, cô gái ấy sẽ được 2 -3 người bạn đưa đến gửi gắm cho người đàn ông cô đã chọn. Rồi họ đưa nhau tới những nơi riêng tư tâm tình. Qua buổi chợ tình, rất nhiều cặp đôi uyên ương đã thành vợ thành chồng bên nhau mãi mãi đến suốt đời.
Khám phá chợ tình Sa Pa là một trong những trải nghiệm nhất định phải thử khi đến Sapa vào cuối tuần. Ảnh: Vnexpress
Thời gian: tối thứ 7
Vé vào cửa: miễn phí.
4 - Đi chợ phiên và mua sắm
Để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của mảnh đất và con người Sa Pa, cảm nhận hơi thở của nhịp sống Sa Pa, bạn chắc chắn không thể nào bỏ qua những phiên chợ Sa Pa đầy màu sắc và hương vị cuốn hút. Đây cũng là một trong những điểm dừng không thể thiếu trong bất cứ tour du lịch Sa Pa nào.
Đi chợ phiên Sa Pa luôn là một trong những trải nghiệm nhất định phải thử khi đến Sa Pa mà nếu không đi, chắc chắn sẽ vô cùng tiếc nuối. Với sự phong phú về đời sống văn hóa, mỗi địa phương của Sa Pa, với những cộng đồng dân tộc khác nhau sinh sống, sẽ có những phiên chợ khác nhau để du khách thỏa sức khám phá.
Chợ Thị Trấn Sapa – Chợ Phiên Đặc Trưng Sapa
Địa điểm: Thị trấn Sa Pa
Chợ Sa Pa là phiên chợ của người H’Mông, người Dao sống gần thị trấn. Chợ họp đông nhất vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Thời gian chợ hoạt động từ 6h00 đến tận 18h00. Đây là nơi trao đổi mua bán nhiều loại hàng hóa địa phương từ quần áo, vải thổ cẩm, khăn, mũ, túi, vòng tay, ví tiền, các loại nông sản như rau củ quả, nấm hương, táo mèo, mắc cọp…
Tại đây còn khu vực bán thuốc Bắc, thuốc Nam là những loại thảo dược như: nấm cẩu tích, tam thất, giảo cổ lam…
Chợ thị trấn Sa Pa là một trong những điểm đến hấp dẫn ở thị trấn trong sương. Ảnh: @doquocvan0105
5 - Thưởng thức thắng cố
Nhắc đến ẩm thực Sapa mà bỏ qua thắng cố thì thật là thiếu xót vô cùng lớn. Bởi vậy, thưởng thức món ăn này trong một không gian đậm chất Sapa chắc chắn sẽ là một trong những trải nghiệm nhất định phải thử khi đến Sapa.
Nơi dễ dàng bắt gặp món ăn này nhất chính là trong những phiên chợ truyền thống của đồng bào. Hoặc trong những nhà hàng ẩm thực Sapa.
Món thắng cố truyền thống được nấu từ thịt ngựa. Về sau món ăn có thêm thịt bò, thịt lợn, thịt trâu. Cách nấu thắng cố của từng vùng cũng khác nhau, với các loại gia vị khác nhau và hương vị cũng mang đặc trưng riêng.
Xưa kia, tất cả thịt và nội tạng của ngựa được xử lý sạch sẽ sau đó cho vào chảo luộc chín, thái thành hình vuông. Sau đó, tất cả phần thịt này được cho vào chảo cùng các loại gia vị. Phần tiết được luộc chín, đặt lên trên nồi với nước xâm xấp và hầm nhừ. Ngày nay, cách nấu có đổi khác nhưng không nhiều, đặc biệt là các loại gia vị truyền thống hầu như còn được giữ nguyên vẹn, bảo tồn hương vị đặc trưng.
Với những du khách lần đầu thưởng thức có thể chưa quen với hương vị của các loại gia vị đặc trưng Tây Bắc này. Nhưng chắc chắn chỉ sau vài lần thưởng thức, bạn sẽ không thể nào quên, nhất là khi thưởng thức vị thịt ngựa ngọt mềm nhừ múc ra từ chảo thắng cố đang sôi, kết hợp chút cay cay của ớt, chút ngai ngái của gia vị thắng cố. Đặc biệt là nhấp thêm ngụm rượu ngô sẽ tạo nên một hương vị hấp dẫn khó cưỡng. Đây chắc chắn là một trong những trải nghiệm nhất định phải thử khi đến Sa Pa.
Hương vị thắng cố với những ai đã quen rất dễ gây “thương nhớ”. Ảnh: paoquan.vn
Địa chỉ ăn thắng cố ngon: chợ Bắc Hà, Thắng cố A Quỳnh (15 Thạch Sơn), Nhà hàng A Phủ Sapa (15 Fansipan) …
Giá trung bình của một bát thắng cố: 80.000 – 100.000vnđ/bát
6 - Dự lễ hội Gầu Tào của dân tộc H’mông
Và đến chơi Sa Pa, chắc chắn bạn nên ít nhất một lần thử cùng người dân địa phương tham gia lễ hội Gầu tào.
Đây là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng hàng đầu được cộng đồng dân tộc Mông tại các Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, thị trấn Phong Hải của tỉnh Lào Cai gìn giữ suốt nhiều đời.
Thông thường, một gia đình người Mông ít con, sinh con một bề, không có con, hoặc có người ốm đau, làm ăn không tốt… Người Mông sẽ lên đồi Gầu Tào khấn xin thần linh ban cho họ con cái, sức khỏe hay làm ăn thuận lợi. Lời cầu nguyện trở thành sự thật, họ sẽ làm lễ Gầu Tào để tạ ơn thần linh.
Mỗi năm, người ta sẽ trồng một cây nêu để các gia chủ lần lượt lấy cây nêu và các vật treo trên cây về để lấy phúc, lộc. Lễ hội này thường được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm và thường kéo dài tới 3 ngày. Đây là một trong những lễ hội lớn có quy mô cộng đồng với nhiều hoạt động vui chơi, đồng thời gắn chặt với đời sống tâm linh và tinh thần của người Mông.
Năm 2012, lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lào Cai đã được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể - một loại hình lễ hội truyền thống đang được bảo tồn và duy trì để truyền lại cho các thế hệ sau.
Tham gia lễ hội Gầu Tào, du khách không chỉ được tham gia vào các hoạt động cộng đồng của đồng bào H'mông bản địa. Bạn còn được tham gia vào rất nhiều trò chơi như bắn cung, đánh quay, chơi đu, nhảy ngựa, đánh cầu, múa khèn, hát gầu plềnh…
Với những người yêu thích khám phá những nét đẹp văn hóa bản địa, lễ hội Gầu Tào chắc chắn là một trong những trải nghiệm nhất định phải thử khi đến Sapa.
Tham gia lễ hội Gầu Tào, du khách được tham gia vào hoạt động vui chơi của đồng bào H'mông bản địa. Ảnh: laocai.gov.vn
Tạm kết
Trên đây chính là 6 trong số những trải nghiệm nhất định phải thử khi đến Sa Pa. Migo hi vọng bài viết đã đem đến cho bạn thêm nhiều gợi ý để chuyến đi Sa Pa của bạn cùng gia đình và người thân thêm ý nghĩa.
Nếu còn bất cứ băn khoăn nào, đừng ngần lại liên hệ ngay với Migo để được tư vấn chi tiết nhất về lịch trình tour Sa Pa, các điểm ăn chơi tại Sa Pa hay kinh nghiệm đi du lịch Sa Pa tự túc bạn nhé.