Mùa nước nổi ở miền Tây thường bắt đầu vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch (tháng 8 đến tháng 11 Dương lịch) hàng năm. Đây là hiện tượng tự nhiên đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long khi nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, làm ngập các vùng trũng, tạo nên một khung cảnh sông nước mênh mông, sản vật trù phú. Mùa nước nổi cũng là mùa cao điểm du lịch ở miền Tây. Du khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương, tham gia các hoạt động như chèo thuyền, câu cá, thưởng thức đặc sản.
Ẩm thực Tây Nam bộ luôn mang nét đặc sắc, khiến người một lần thưởng thức nhớ mãi không quên. Cách chế biến của người miền Tây rất mộc mạc, giản dị, không cầu kỳ mà chủ yếu dựa vào nguyên liệu tươi ngon, đánh bắt ở kênh mương, hái ngoài vườn. Đặc biệt, ẩm thực vùng sông nước thường sử dụng các loại hoa trong chế biến, tạo nên nét riêng có của vùng này. Những người ở nơi khác đến lần đầu tiên hẳn ngạc nhiên bởi những loài hoa rực rỡ sắc màu cũng có thể làm thành những món ăn tươi ngon.
Phải nhắc tới đầu tiên là những bông điên điển vàng tươi, sặc sỡ. Bông điên điển hay mọc dại ven theo các con kênh, đầm ao hoặc trồng theo các bờ ranh, đất trống. Hoa màu vàng tươi, có vị hơi đắng nhẹ, thường mọc hoang dọc theo các con kênh, rạch. Bông điên điển được dùng để xào trứng, làm gỏi hoặc ăn kèm với các món lẩu nhưng nổi tiếng nhất vẫn là nấu canh cá linh với vị chua chua của me, vị ngọt ngọt của cá linh, vị đăng đắng của hoa điên điển.
So đũa là loại cây quen thuộc ở miền Tây nhưng còn khá xa lạ với thực khách từ nơi xa tới. Bông có hai màu trắng và tím, cánh mỏng manh, thường nở vào sáng sớm nên người dân phải tranh thủ hái nếu không sẽ rất nhanh héo. Bông hái về nhặt bỏ cuống, đài hoa và nhị bên trong cho khỏi đắng. Món phổ biến nhất là so đũa nấu canh chua với cá lóc, cá rô, tép đồng hay xào thịt, chấm kho quẹt.
Hoa súng tím ngắt khoe sắc trên các ao hồ, đầm lầy nhưng phần cuống hoa cũng là một nguyên liệu rất quen thuộc trong các căn bếp miền Tây. Bông súng hái về tước vỏ, bẻ thành từng khúc vừa ăn. Bông súng có thể chế biến thành nhiều món ăn như: nấu canh chua tôm, làm gỏi, trộn giấm, ăn kèm lẩu, chấm cá kho, trọn gỏi bồn bồn hay đơn giản là bông súng chấm mắm kho. Vị giòn tươi, man mát của bông súng ăn với món nào cũng hợp.
Hoa thiên lý cũng được sử dụng trong một số món ăn ở miền Bắc nhưng ở miền Tây Nam bộ, loài hoa này xuất hiện trong nhiều món ăn hơn. Hoa có màu trắng hoặc tím nhạt, có vị ngọt nhẹ, hương thơm dịu. Bông thiên lý thường được dùng để xào thịt bò, hải sản, lòng gà, nấu canh tôm, cua dồng, cá hú hoặc làm nộm. Trong đó, bông thiên lý nấu cua đồng là món giải nhiệt mùa hè được ưa chuộng.
Bông bí có màu vàng tươi, thường nở vào buổi sáng. Sau khi hái về, bông bí được loại bỏ phần nhị bên trong, rửa sạch, sau đó chế biến như xào thịt heo, bò, nấu canh tôm khô, hến, nhồi thịt. Bông bí ngọt mát, không đắng, chỉ cần luộc chấm nước thịt kho, kho quẹt cũng ngon.
Cây sen cung cấp nhiều thành phần cho bữa ăn của người miền Tây. Ngó sen có thể làm nộm gỏi, hạt sen có thể nấu cơm với nước dừa, nấu các loại chè thanh nhiệt thải độc mùa hè, củ sen có thể nấu canh, cánh hoa sen có thể cuốn chả giò.
Kèo nèo là loại rau dại, có vị giòn ngọt, ban đầu vị hơi nhân nhẩn đắng nhưng ăn quen sẽ ghiền. Kèo nèo không thể thiếu như chế biến lẩu mắm, chấm kho quẹt, bóp gỏi, xào tỏi, nấu canh chua, nhúng lẩu hay làm dưa chua kèo nèo. Ảnh: 24h
Một khay đủ các loại hoa như bông súng, điên điển, thiên lý, so đũa, kèo nèo, bắp chuối làm nên hương vị trọn vẹn, tươi ngon của món lẩu mắm miền Tây.
Ngoài hoa, một số loại củ quả như cà tím, đậu bắp, khổ qua cũng là đặc trưng của ẩm thực miền Tây.
Bên cạnh đó, trái bình bát cũng là một đặc sản độc đáo khác chỉ ở miền sông nước Nam bộ. Trái bình bát, hay còn gọi là quả bần ổi có vỏ xanh bóng và ruột trắng trong, khi chín ngả vàng. Ruột quả màu trắng trong, có nhiều hạt nhỏ, vị chua ngọt thanh mát, rất dễ chịu, thường được ăn trực tiếp, làm món dầm, sinh tố. Đây không chỉ là một loại trái cây giải khát mà còn là một vị thuốc quý chữa bệnh hô hấp và tiêu hóa.
Theo Ngôi sao