Lượt xem 340
Văn hóa

Những điều đặc biệt của Tết Việt

Thời gian trôi qua nhanh, chưa kịp làm gì đã chớp mắt đi qua một năm. Dù bận rộn đến thế nào thì Tết cũng sắp đến và dù có không thích thì năm mới cũng sắp đến gần.

 


Báo cáo thành tích cuối năm


Người Việt từ xưa tin rằng, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân - ông Táo ngồi trong căn bếp của mỗi nhà lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa, Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.


Lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Vì vậy, tùy theo điều kiện thời gian của từng nhà có thể cúng ông Táo trước 1 ngày tức là vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.


Không khí những ngày giáp Tết



Sau ngày tiễn ông Công ông Táo lên trời, không khí Tết mới thực sự thấy rất rõ ràng khắp chốn. Từ trong nhà đến ngoài phố, náo nức dòng người như trẩy hội và các mặt hàng phục vụ cho kỳ nghỉ lễ đã ngập tràn khắp các khu chợ và siêu thị.


Hàng bánh chưng đã nhận từ nửa tháng nay, các phiên chợ hoa đã mở khắp các phố, tưng bừng hoa đào hồng, hoa violet tím, những cây quất đã được chở đến bày khắp các công sở hay các ngôi nhà. Mùi Tết và màu của mùa xuân đã rộn rã lắm rồi, tưng bừng lắm rồi.

Dù bận thế nào, ai ai cũng cố gắn sắm một cái Tết tiễn năm cũ và đón năm mới tươm tất nhất trong phạm vi có thể.



Chợ hoa Xuân ngày Tết


Những ngày này đi chợ hoa mua đào, ngắm quất, mua các loại hoa về bày biện trang trí nhà là một thú vui không thể bỏ qua. Nhà nào chưa có quất, chưa có đào, thấy dường như mùa xuân chưa về đến cửa. Nhìn những chợ hoa được mở trên khắp các hè phố, lòng người cũng không khỏi náo nức.



Dọn dẹp, mua sắm đồ mới


Thực ra không phải đợi đến Tết người ta mới dọn nhà nhưng như một thói quen đã cũ, cuộc tổng tấn công dọn nhà thực sự vào những ngày cận Tết.


Dọn nhà, vứt bỏ những cái cũ, cái hỏng, làm mới lại ngôi nhà đã cũ của mình để nghênh xuân đón điềm lành. Bởi vì qua ngày mùng 1, người ta kiêng quét nhà, quét lộc nên nhà cửa dọn sạch sẽ thơm tho, người được gột sạch bụi bẩn bằng những nồi nước lá mùi thơm nức. Thế mới an tâm mà đón xuân.


Bữa cơm sum họp chiều 30 Tết


Sum họp, đoàn viên là cụm từ được nhắc đến và nghĩ tới trong đầu với bất cứ đứa con xa nhà nào. Những ngày cuối năm, khi mọi người rục rịch chuẩn bị đồ đạc để trở về nhà sau một năm đi làm xa, cho dù đường xá xa xôi, đi lại vất vả hay có thể thành công hay không thành công trong công việc, cuộc sống, mái nhà quê hương vẫn là nơi để bất cứ ai đã bước ra có mong muốn trở về nhà. Ở đó, dù bạn có là ai thì vẫn là con của cha, của mẹ, là cháu của ông của bà. Ở đó, có quê hương. Chính vì vậy, những ngày Tết với những đứa con xa nhà vô cùng ý nghĩa. Đó là dịp để sum họp với gia đình, ăn một bữa cơm đoàn viên vào chiều 30 khi mọi việc của năm cũ đã xong và an yên bên những người thân yêu.



Mùng 1 lễ chùa


Buổi sớm đầu tiên của năm mới dành cho sự bình yên. Người ta ra đường muộn hơn, ăn mặc thật đẹp, đến chùa lễ đầu năm, cầu mong một năm mới tốt lành. Rồi đến nhà nhau chúc Tết, ăn miếng bánh mứt. Quanh năm bận rộn, 3 ngày Tết là thời gian tìm đến nhau, thăm hỏi cuộc sống của nhau, trước khi ai lại về nhà nấy và bận rộn với cuộc sống của mỗi người.



Migo tổng hợp

Ảnh: Shutterstock

Nguồn ảnh: Nhiều tác giả
Có thể bạn cũng thích