Biển Hồ
Hồ T’Nưng (hay Biển Hồ hoặc hồ Ea Nueng) là hồ nước ngọt nằm tại xã Biển Hồ, cách trung tâm TP Pleiku 7 km về phía bắc. Hồ nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái Biển Hồ - Chư Đăng Ya, có một dải đất chạy dài đến giữa lòng hồ mang đến cho du khách tầm nhìn toàn cảnh, với rừng thông xanh mát. Đây là địa danh nổi tiếng tại Pleiku, nơi "phải đến" của du khách.
Hồ nằm ở độ cao 800 m so với mực nước biển, rộng gần 300 ha. Nơi đây vốn là ba miệng núi lửa thông nhau, bờ hồ chính là miệng núi lửa nhô cao nên dù đứng từ xa vẫn nhìn thấy rõ. Dịp Tết Nguyên Đán là thời điểm đẹp nhất trong năm để ngắm Biển Hồ.
Ảnh: Phương Vi/Pham Cong Quy
Đồi chè
Đồi chè nằm gần Biển Hồ, còn được gọi là Biển Hồ Chè, có diện tích hơn 1.000 ha, bao phủ một màu xanh của lá chè đến tận chân của những ngọn núi xung quanh. Đồi chè ở đây đã có từ năm 1919 khi người Pháp bắt đầu khai khẩn vùng đất cao nguyên Pleiku để trồng chè. Bạn nên đến vào sáng sớm, khi những làn sương còn giăng kín cả con đường, khung cảnh huyền ảo hoặc khi mặt trời mới lên, trong khoảng thời gian 7 đến 9h để có những bức ảnh đẹp.
Ảnh: Pham Cong Quy
Hàng thông trăm tuổi
Hàng thông trăm tuổi nằm kế bên Biển Hồ Chè, cách trung tâm Pleiku khoảng 12 km. Đây là con đường dưới tán thông dài gần 1 km, được trồng từ năm 1917 với 101 gốc. Nơi đây nào cũng đông khách du lịch và giới trẻ tới chụp ảnh, người dân Pleiku cũng thường chạy tập thể dục quanh khu vực này. Thời gian đẹp nhất để ngắm và chụp ảnh với con đường là vào sáng sớm, khi vẫn còn sương và ánh nắng chiếu xiên qua kẽ lá. Dọc hàng thông là một vài quán cà phê di động trên những chiếc ôtô cũ được trang trí lại, là điểm thư giãn cho du khách.
Ảnh: Shutter stock
Chùa Bửu Minh
Bửu Minh là ngôi chùa cổ nhất Gia Lai, nằm giữa Biển Hồ Chè. Chùa được xây dựng năm 1936, ban đầu có tên là chùa Phật Học, sau đó được trùng tu và mang tên Bửu Minh từ năm 1961. Chùa có mái giống nhà rông Tây Nguyên, nhưng lại có các đường nét kiến trúc của những ngôi chùa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bửu Minh còn được xem là một trong những ngôi chùa có đỉnh cao nhất Việt Nam. Đầu đao mái chùa, mái tháp mềm mại như thuyền độc mộc, kiến trúc bằng bê tông cốt thép, diện tích ngôi chánh điện 520 m2, cao hơn 47 m. Vào những ngày lễ lớn, nơi đây khá đông người dân bản địa đến viếng thăm, cầu bình an.
Ảnh: Shutter stock
Chùa Minh Thành
Nằm trên một ngọn đồi cách trung tâm thành phố 2 km, chùa Minh Thành được xây dựng từ năm 1964 và trở thành nơi hành hương, thờ cúng quen thuộc của người dân địa phương. Chùa rộng 20.000 m2 gồm nhiều khu nhà được thiết kế với phần mái chóp uốn cong, có kiến trúc gần giống với các ngôi chùa Nhật Bản.
Tượng Phật bà Quan Âm đặt chính giữa cửa ra vào và trang trí cây xanh, cột đá, tượng kỳ lân đối xứng bằng đá được chạm trổ tinh xảo, cao 7,5 m, nặng 40 tấn. Sân chùa rộng, được trang trí bằng tiểu cảnh, tượng đá, vật liệu gỗ được chạm khắc tinh xảo. Ngoài ra, chùa còn có không gian xanh được các nhà sư thiết kế riêng bằng cây cối và tiểu cảnh làm cho bầu không khí trở nên trong lành, thanh tịnh.
Ảnh: Binh Nguyen
Núi lửa Chư Đăng Ya
Nằm cách TP Pleiku khoảng 30 km, Chư Đăng Ya là một ngọn núi lửa được hình thành và tồn tại qua hàng triệu năm. Sau khi phun trào hết dòng nham thạch, núi lửa Chư Đăng Ya đã "ngủ im" và trở thành điểm tham quan nổi tiếng. Quanh khu vực này, hoa và cây xanh bốn mùa tươi tốt. Đứng trên miệng núi lửa Chư Đăng Ya, du khách sẽ thấy toàn cảnh TP Pleiku. Hiện đường dẫn đến chân núi lửa đã được trải bê tông, thuận tiện di chuyển. Để lên tiếp đỉnh, du khách có thể leo bộ hoặc thuê xe ôm với giá khoảng 100.000 đồng.
Dịp cuối tháng 10 và đầu tháng 11 mỗi năm, hoa dã quỳ nở rộ dọc đường đi và quanh khu vực núi lửa.
Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN
Thác K50
Thác K50 (còn gọi là thác hang Én) nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện K'Bang, phía bắc tỉnh Gia Lai, cách trung tâm TP Pleiku khoảng 150 km. Mùa đẹp nhất để khám phá thác là từ tháng 3 đến 6 hàng năm khi trời nắng đẹp, không mưa và thác chảy êm. Du khách có thể đi trong ngày từ Pleiku nhưng theo tư vấn của nhiều người, nên ở lại vùng lân cận qua đêm, hoặc cắm trại trong khu bảo tồn.
Ngọn thác có tên gọi là Hang Én vì đằng sau dòng nước là nơi sinh sống của nhiều loài én. Còn tên gọi K50 chỉ độ cao 50 m của thác. Trước đây để đến được thác, du khách cần băng rừng khoảng 8 tiếng song hiện có thêm nhiều đường bê tông, cho phép xe máy vào gần chân thác. Hết đường bê tông, du khách đi bộ khoảng 20 phút là tới. Du khách cần trang bị quần áo dài tay, tất cao cổ và gậy dò đường để tránh côn trùng, rắn rết.
Ảnh: Anh Chiêm
Nhà máy thủy điện Yaly
Yaly nằm trong hệ thống thủy điện trên sông Sê San, là một trong những điểm du lịch đông khách nhất tỉnh Gia Lai, cách trung tâm Pleiku gần 40 km. Khung cảnh trên đường từ thành phố tới thủy điện rất đẹp, với nhiều rừng nguyên sinh, đồi núi và sông ngòi. Nhà máy được xây dựng năm 1993, là công trình thủy điện lớn thứ hai ở Việt Nam, sau Sông Đà. Thủy điện Yaly gắn liền với thác Yaly, từng là một trong những thác nước lớn và đẹp nhất Việt Nam với độ cao 42 m, phong cảnh hữu tình.
Ảnh: Pham Cong Quy
Theo VnE