Nhà thờ gỗ Kon Tum còn được gọi là Nhà thờ chánh toà KonTum, nằm tại đường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum. Vào năm 1913, công trình được khởi công xây dựng, đến đầu năm 1918 hoàn thành.
Về tổng thể, nhà thờ được thiết kế theo lối kiến trúc Roman kết hợp với kiểu nhà rông của người Ba Na bản địa. Sự kết hợp đó đã giúp công trình vừa mang vẻ đẹp của những đường nét cổ kính phương Tây, vừa phảng phất hơi thở của Tây Nguyên đại ngàn.
Điều đặc biệt của công trình này là toàn bộ các kết cấu từ cột, kèo cho đến sàn nhà đều làm bằng gỗ cà chít (gỗ sến đỏ - một loại gỗ đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên). Những tấm gỗ được kết dính với nhau bằng mộng chứ không hề sử dụng đinh. Trần, tường và vách nhà thờ được trát bằng vật liệu đất trộn rơm, không dùng bê tông cốt thép và kể cả vôi vữa để sơn trét.
Phía trước mặt tiền nhà thờ có tháp chuông 4 tầng cao hơn 20m nằm chính giữa. Dọc hai bên nhà thờ là hai hành lang kéo dài với phần mái nhô cao như kiểu mái nhà rông, còn lối đi được điểm trang bằng những phần mái vòm tạo sự mềm mại, cân bằng cho cả công trình. Được xây dựng bởi những người thợ lành nghề, từng chi tiết chạm khắc, trang trí, phối màu…đều thể hiện sự tinh xảo, tỉ mỉ. Ngoài khu nhà chính, trong khu hoa viên của nhà thờ còn có bức tượng Đức Mẹ hai tay nâng bế Chúa Hài Đồng.
Trải qua hơn 100 năm bàng bạc mưa gió, nhà thờ gỗ Kon Tum vẫn giữ được đường nét nguyên bản, cổ kính và lộng lẫy như thủa ban đầu. Không chỉ là công trình công giáo có ý nghĩa lớn với người dân bản địa, nhà thờ cũng là điểm đến thăm quan nổi tiếng thu hút nhiều du khách ghé thăm.
Nhà thờ mở cửa quanh năm cho mọi người, bất kể tôn giáo, vào tất cả các ngày trong tuần. Nếu đến thăm nhà thờ vào ngày Chủ nhật, du khách sẽ phải đợi sau 9 giờ mới được vào để tránh ảnh hưởng đến buổi lễ của đồng bào công giáo.
Theo VNN