Lượt xem 2.7k
Khám phá

Mùa xuân lộng lẫy trên cung đường vòng lặp Hà Giang

Những ngày sau Tết, tôi thường xách máy ảnh đi Hà Giang. Đó là chuyến đi mà tôi háo hức nhất, mong đợi nhất trong năm. Không phải chỉ bởi được sổ lồng đi chơi, mà bởi đối với tôi, Hà Giang là miền đất nhiều thương nhớ...

Thời điểm chụp hoa đào ở Hà Giang đẹp nhất là qua sau Tết Nguyên đán, khi cái lạnh trên vùng cao nguyên đá dần tan biến, những nụ hoa đào mới bắt đầu bung nở. Hoa đào ở Hà Giang thường nở muộn hơn đào dưới xuôi. Do thời tiết trên những vùng núi cao Hà Giang thường rất lạnh, nên những cây đào thường ngậm nụ rất lâu. Chỉ khi có nắng, thời tiết ấm lên, hoa đào mới bung nở rực rỡ.



Vào những chiều có nắng, tôi thường sục sạo vào sâu trong các bản ven đường biên giới Việt Trung, vứt xe ở một góc nào đó, tôi rảo bước đi bộ vào những con đường mòn rất nhỏ, quanh co, chạy luồn lách đằng sau những căn nhà trình tường đắp đất. Nơi đó, con đường ẩn mình trong những vạt ngô cao hơn đầu người, lẩn khuất trong heo hút ngóc ngách nơi thâm sơn.


Tôi dừng lại bên hàng rào đá, ngắm cây đào đang nở hoa. Biết bao mùa hoa đã ghé đến nơi này, biết bao người đàn ông đã vác cầy đi qua đây, biết bao chiều nắng lấp lánh trong ánh mắt bé con đi học, và biết bao tiếng cười đã vấn vương theo bước chân quấn xà cạp, theo nhịp bước vung viêng rực rỡ sắc mầu từ vạt váy của những người phụ nữ vùng biên.



Tôi chụp bức hình rồi lại đứng lặng lẽ, cố lưu giữ khoảnh khắc lấp lánh này vào ký ức. Để sau này mỗi lần hoài niệm về một thời “ta đã đi”, tôi lại mở xem những bức ảnh để được đắm đuối trong những phút giây vẫn còn tươi mới và vẹn nguyên đó. 


Vùng cao Hà Giang vào mùa xuân trời thường âm u, xám xịt. Khi không có nắng, cánh hoa đào không thể bong ra được. Anh từng phải chờ một tia nắng xuất hiện trong cả tuần. Trong những ngày ấy, anh phải đi khảo sát hết các khu vực mình muốn chụp. Ví dụ thấy một cây đào đẹp mọc bên bờ đá mà chưa có nắng, anh giở la bàn ra xem nắng hướng Đông – Tây như thế nào? Bố cục ngược nắng ra sao? Anh cũng phải tính toán mấy giờ có mặt trời, khi nào nắng sẽ tắt? Nhìn xung quanh xem có ngọn núi nào quá cao hay không? Nếu chụp bình minh từ hướng Đông mà có ngọn núi cao quá chắn mặt trời thì cứ ngủ đã, có khi 8 giờ sáng mặt trời mới lên. Hoặc nếu chụp về hướng Tây, có khi 3 rưỡi chiều nắng đã khuất núi, 4 giờ đi chụp thì thất bại hoàn toàn.



Khi vườn đào ẩn hiện lớp lang qua những màn sương mờ ảo. Đấy mới thực sự là cái hồn, cái tình của Hà Giang. Ảnh có nắng rất đẹp, rất lung linh nhưng những ngày mù đặc, lạnh lẽo mới thật sự mang hơi thở của núi rừng.


Lần đầu đến với bản Lao Xa (Đồng Văn, Hà Giang), Lê Việt Khánh kể, anh cảm thấy mình như lạc vào miền cổ tích. Hồi ấy chỉ có con đường đất nhỏ trơn trượt, anh phải đi bộ vào mất khoảng 4 tiếng. Và khi đến nơi, cảnh sắc hiện ra trước mắt khiến anh cảm thấy choáng ngợp. Những ngôi nhà trình tường của người Mông lợp mái ngói âm dương mầu màu nâu sẫm nổi chìm ẩn hiện trong sắc đỏ của những vườn đào, chen vào đó là những cây mận nở hoa trắng muốt.



Chui rúc lùng sục thật sâu mới thấy hóa ra những thứ mình biết về Hà Giang còn quá ít ỏi. Có khi mình chui vào một con đường đất mà không biết nó dẫn đến đâu. Cứ thế chạy tà tà vào bản, lùng sục vào từng ngõ ngách, theo những con đường mòn bé tí teo dốc ngược lên đỉnh núi. Bên trong những con đường nhỏ rẽ ngang rẽ ngửa chui tuốt luốt vẫn còn nhiều góc lắm mà mình giờ mới biết.


Hà Giang là mảnh đất cao nguyên đá tuyệt đẹp của Việt Nam. Nơi 4 mùa đều mang những vẻ đẹp đặc biệt khác nhau.



Mùa xuân này, hãy đến với Hà Giang!


Theo VOV

Ảnh: Lê Việt Khánh

Có thể bạn cũng thích