Ruộng bậc thang Lục Hồn, di tích, danh thắng cấp tỉnh của Bình Liêu, vào mùa vàng từ cuối tháng 10, đầu tháng 11. Bình Liêu là huyện miền núi biên giới phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội khoảng 270 km. Nơi đây có địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa nên được mệnh danh là "Sa Pa thu nhỏ".
Tháng 10-11, đồng bào các dân tộc ở Bình Liêu vào vụ gặt, phơi lúa, chuẩn bị cho lễ Mừng cơm mới, tổng kết một năm sản xuất.
Cảnh sắc thiên nhiên vào mùa lúa chín thu hút lượng khách đổ về vùng cao biên giới này ngày một tăng.
Đây cũng là thời điểm hoa lau nở rộ phủ trắng các triền đồi, đặc biệt là cung đường tuần tra biên giới.
Cỏ lau cao hơn đầu người, nở dày, lung linh trước ánh hoàng hôn khiến nhiều người gọi Bình Liêu là "thiên đường cỏ lau". Thời điểm đẹp nhất để ngắm lau là hoàng hôn. Ánh chiều chạng vạng khiến bông lau càng đẹp, rất thích hợp để chụp ảnh.
Bình Liêu có gần 50 km đường biên giáp với Trung Quốc nên cung đường chinh phục các cột mốc biên giới được nhiều người lựa chọn trải nghiệm. Nơi đây có 68 cột mốc, bốn cột mốc chính không nên bỏ qua là 1300, 1302, 1305, 1321 và 1327.
Cây đa ven suối đối diện cột mốc 1321, đường tỉnh 341, xã Đồng Văn là điểm nghỉ chân ưa thích của nhiều phượt thủ trên con đường khám phá Bình Liêu.
Hành trình khám phá Bình Liêu khoảng hai ngày, du khách có thể lưu trú ở một số homestay bản địa như A Dào, A Píu, Hoàng Sằn, Sông Moóc hoặc nhà bình dân từ khoảng 300.000 đồng đến 500.000 đồng một đêm. Ngoài ra, du khách có thể cắm trại qua đêm trên đỉnh Cao Ly.
Hội mùa Vàng Bình Liêu 2024 có nhiều hoạt động văn hóa - thể thao. Trong ảnh là giải Bóng đá nữ các dân tộc thiểu số, thu hút đông đảo người xem. Mùa vàng Bình Liêu được tổ chức lần đầu năm 2020, là ngày hội để cộng đồng các dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ giao lưu văn hóa, tôn vinh những giá trị truyền thống.
Đây là dịp để du khách tìm hiểu các phong tục, nghi lễ cầu mùa, các trò chơi dân gian và những câu chuyện truyền đời về việc gắn bó với đất đai, mùa màng ở Bình Liêu.
Theo VnE