Tôi cầm điện thoại, ngắm lại những tấm ảnh ngày còn rong ruổi khắp mọi nẻo đường Tổ Quốc. Tay tôi chợt dừng lại ở tấm ảnh có những bụi hoa giấy đỏ rực cùng những chiếc đèn lồng đủ màu sắc, nổi bật trên các bức tường màu vàng thổ đặc trưng. Ngày này năm ngoái, tôi đang ở Hội An.
Ảnh: Shutterstock
Tầm 6h tôi và bạn trai đến nơi này, Hội An vẫn còn ngủ mê trong nắng sớm, những căn nhà mái ngói đỏ và các bức tường dài nằm im lìm dưới mấy tán cây hoa giấy. Hội An tựa như nàng thơ giữa lòng Quảng Nam, là kết tinh của nét đẹp truyền thống pha lẫn hiện đại.
Để đánh giá về phố cổ Hội An, người ta có câu “Một bước chân qua ba nền văn hóa”. Ba nền văn hóa được nhắc đến và khắc họa rõ nét tại đây bao gồm: Nhật Bản – Trung Quốc – Việt Nam. Chứng kiến bao thăng trầm lịch sử, Hội An khoác lên mình vẻ đẹp bí ẩn, trầm mặc và bình yên đến lạ. Tầm giờ này Hội An vẫn còn thưa thớt người, thỉnh thoảng có vài chiếc xe đạp chạy qua. Tôi hít một hơi thật sâu để ôm trọn sự tĩnh lặng và thanh bình, điều mà chỉ khi đi xa khỏi Sài Gòn chúng ta mới có thể cảm nhận được.
Ảnh: Shutterstock
La cà phố xá chán chê, chúng tôi dừng chân tại một quán cà phê rooftop ở góc Trần Phú. Mục đích vừa để ngắm toàn cảnh Hội An dễ dàng nhất, vừa chờ đợi sự lột xác của nơi đây khi đêm đến.
Chập tối, khi tia nắng cuối cùng biến mất, Hội An dần trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Hàng ngàn chiếc đèn lồng từ khắp các căn nhà, ngõ ngách, nào là hình tròn, bát giác, trái bí, củ tỏi, hình bánh ú hay hoa sen,... mang đậm phong thái và tín ngưỡng dân tộc Việt dần được thắp lên. Khi Hội An bị bao phủ bởi màn đêm, ánh sáng chập chờn của những chiếc đèn trở nên thu hút hơn bao giờ hết, khiến con người ta cứ muốn chìm đắm mãi trong không gian này...
Ảnh: Mỹ Diệu
Từ những năm 1988, cứ vào đêm 14 âm lịch hàng tháng, chương trình “Đêm rằm phố cổ” lại được tổ chức. Phố cổ Hội An lại trở nên đẹp lạ kỳ trong ánh sáng lung linh, huyền ảo của những chiếc đèn lồng. Lễ hội đèn lồng Hội An lớn nhất được tổ chức vào dịp Tết cổ truyền suốt từ những ngày gần cuối tháng Chạp cho đến hết tháng Giêng âm lịch. Đây được xem là nét đặc trưng trong văn hóa du lịch của Hội An.
Ảnh: Shutterstock
Đèn lồng có lẽ chính là điểm nhấn tinh xảo nhất, là nét duyên ngầm “đánh dấu chủ quyền" một góc nhỏ trong lòng những ai đã ghé đến Hội An. Trải qua nhiều thăng trầm, đèn lồng Hội An đã mang những giá trị, tạo hình, thẩm mỹ và văn hóa thuần Việt, làm tăng thêm giá trị cho những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi. Để có thể tạo ra những chiếc đèn tinh xảo, bắt mắt là sự chắt chiu, nâng niu và sức sáng tạo vượt thời gian của những người nghệ nhân làng đèn lồng. Có lẽ vì thế mà nó đem lại cho tôi cảm giác gần gũi, ấm áp lạ kỳ. Tựa như tình cảm của người dân nơi đây, bình dị, chất phát mà thân quen đến lạ.
Trên dòng sông Hoài, những chiếc đèn hoa đăng bằng giấy được thả trôi trên đoạn sông dịu dàng cuộn chảy. Những ánh sáng nhỏ lung linh từ chiếc đèn giấy phản chiếu thành hàng ngàn đốm sáng nhỏ rực rỡ, mang theo những hy vọng, những lời nguyện cầu may mắn, bình an.
Ảnh: alsaharhoian.com
Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo. Là di sản văn hóa Thế Giới được UNESCO công nhận, là niềm tự hào của mỗi con người Việt Nam. Chắc chắn chúng tôi sẽ quay lại khi dịch bệnh qua đi, thả chiếc đèn hoa đăng dưới bờ sông Hoài ngày ấy. Tôi vẫn luôn thầm cầu mong sức khỏe, và an yên đến với mọi người.
Migo tổng hợp