Du Già là một xã vùng cao thuộc huyện Yên Minh, cách TP Hà Giang khoảng 70 km. Trên bản đồ du lịch Hà Giang, Du Già hiện lên với bức tranh hoang sơ, chưa được nhiều khách Việt biết đến. Khách đến Du Già đa số là người đam mê phượt, thích chinh phục những cung đường đèo mạo hiểm... Trên đường đến Du Già, du khách sẽ đi qua đồi ngắm cảnh thung lũng xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh.
Cảnh vật ven đường hiện ra như một thước phim chiếu qua ô cửa, có khi là một bản làng bé nhỏ dưới thung lũng bao quanh là lúa, ngô, hay những ngọn núi cao sừng sững trong mây.
Đoạn đường từ huyện Mèo Vạc đến Du Già dài chừng 80 km với những cung đường quanh co, khúc khuỷu. Trong đó, 26 km đoạn Mèo Vạc - Sủng Trái khá gian nan. Ngày mưa phùn, đoạn đường phía trước có lúc trắng xóa, xe phải chạy thật chậm để giữ an toàn.
Sau chặng đường dài, du khách có thể nghỉ chân tại một homestay ở thôn Cốc Pảng, Du Già. Căn homestay khá tiện nghi với phòng ngủ tập thể, phòng đôi, bungalow....
Buổi chiều là chuyến trekking nhẹ nhàng quanh bản, đến thác Thâm Luông, cách homestay chừng 3 km. Trên đường, những nương ngô trải dài tít tắp trên đỉnh núi cao và cây cỏ tốt tươi sau những cơn mưa đầu mùa.
Đường trekking dẫn qua những căn nhà vách gỗ, mái lá, bên hè dựng đầy củi khô chất thành các bó lớn và tường đá bao quanh. Trước nhà, các em bé trong thôn tụ thành các nhóm vui đùa. Mỗi khi thấy du khách, các em vẫy tay chào, cười thật tươi, có bé còn nói "Hello".
Sau chặng đường lội suối, băng qua các vườn lanh, ruộng ngô, đường đất trơn trượt..., tiếng suối càng gần bên tai. Bên đường, một dòng suối trắng xóa len lỏi tạo nên phong cảnh như tranh vẽ.
Thác Thâm Luông tung bọt trắng xóa là điểm dừng chân mà ai đến Du Già đều nên trải nghiệm.
Thác có đoạn nước lặng, dòng chảy không quá xiết. Nhiều gia đình thường dẫn trẻ nhỏ đến đây tắm mát, nghịch nước.
Sau một đêm ngon giấc, du khách có thể dậy sớm dạo quanh thôn Cốc Pảng trước khi tạm biệt Du Già. Cảnh vật gợi nhớ đến những dòng thơ trong bài Nhà Bố Ở của tác giả Nguyễn Thái Vận: "Ngọn núi ở lại cùng mây/ Mặt trời theo về thành phố/ Tiếng suối nhòa dần sau cây...".
Theo VnE