Nằm ở thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, chùa Từ Hiếu hay Tổ đình Từ Hiếu là một trong những ngôi cổ tự lớn và là một danh lam có tính văn hoá và lịch sử quan trọng của Cố đô Huế. Ảnh: Cổng tam quan của chùa.
Tương truyền, năm 1843, Hoà thượng Nhất Ðịnh đã đến đây khai sơn, dựng “Thảo Am An Dưỡng” để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già. Cảm phục trước tấm lòng hiếu thảo của sư Nhất Định, vua Tự Đức đã ban cho chùa “Sắc tứ Từ Hiếu tự”. Chùa được mang tên Từ Hiếu từ đó. Ảnh: Hồ nước bán nguyệt sau cổng tam quan.
Tấm bia ghi lại quá trình xây dựng chùa giải thích tên chùa như sau: “Từ” là đức lớn của Phật, nếu không từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại. “Hiếu” là đầu hạnh của Phật, nếu không hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời. Ảnh: Chính điện của chùa.
Cùng với sự đóng góp của Phật tử và các khoản ban cấp từ vua Tự Đức, chùa còn được các vị quan trong cung triều Nguyễn mà nhất là các vị thái giám cúng dường tiền bạc để lo việc thờ tự sau này. Năm 1848, Hoà thượng Cương Kỷ bắt đầu xây dựng chùa quy mô hơn và rồi Từ Hiếu trở thành một ngôi chùa lớn.
Vể tổng thể, chùa Từ Hiếu nằm khuất trong một rừng thông trên một vùng đồi của phường Thủy Xuân. Khuôn viên chùa rộng chừng 8 mẫu, phía trước có khe nước uốn quanh, phong cảnh thơ mộng.
Các công trình của chùa gồm cổng tam quan, hồ bán nguyệt, lầu bia, chính điện, Quảng Hiếu Đường…
Chính điện của chùa có ba căn, hai chái, phía trước thờ Phật, phía sau thờ Tổ.
Trong khuôn viên chùa có nhiều tháp mộ cổ kính, là nơi an nghỉ của nhiều bậc danh tăng Cố đô Huế xưa.
Đặc biệt, trong khuôn viên chùa còn có một khu lăng mộ dành riêng cho các thái giám triều Nguyễn. Ngoài ra còn có mộ phần các vị phi tần của các chúa Nguyễn.
Ngày nay, chùa Từ Hiếu là một trong những ngôi chùa cổ đón khách du lịch trong và ngoài nước đông nhất cố đô Huế.
Theo Tri thức và Cuộc sống