Lượt xem 250
Khám phá

48 giờ ở Đồng Tháp

Đồng Tháp là nơi nên ghé trên hành trình du ngoạn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vì có nhiều địa danh và những món ăn đặc trưng vùng miền. Hành trình hai ngày tại Đồng Tháp, qua hai địa danh nổi tiếng là Cao Lãnh và Sa Đéc, cùng những vùng lân cận.

Ngày 1


Buổi sáng

Đến miền Tây nói chung và Đồng Tháp nói riêng, không nên bỏ qua món hủ tiếu, thường có hai loại khô và nước, cho bữa sáng. Tại thành phố Sa Đéc, du khách có thể chọn một số địa chỉ như hủ tiếu cô Liên, hủ tiếu bà Sẩm, hủ tiếu Nam Vang Mỹ Ngọc.


Bắt đầu hành trình thăm Đồng Tháp bằng việc ghé ngôi nhà cổ nổi tiếng Huỳnh Thủy Lê. Vé vào cửa 20.000 đồng.



Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nằm ở trung tâm thành phố Sa Đéc, trên đường Nguyễn Huệ. Không rộng như nhà cổ Bình Thủy ở Cần Thơ, căn nhà ba gian kiểu truyền thống miền Tây Nam Bộ có diện tích khoảng 250 m2, với vật liệu chính là gỗ quý, mái nhà hình thuyền lợp ngói âm dương. Căn nhà vẫn còn gần như nguyên vẹn so với ban đầu, nhiều góc để du khách có những bức ảnh đẹp.


Ngoài giá trị kết hợp giữa hai lối kiến trúc Đông - Tây, ngôi nhà còn nổi tiếng bởi liên quan tới một cuộc tình không biên giới của một cô gái Pháp và chàng công tử người Việt gốc Hoa giàu có những năm đầu thế kỷ 20, chủ nhân ngôi nhà. Chuyện tình cũng chính là nội dung tác phẩm văn học Người tình (L’Amant), từng được dựng thành phim, và quay tại chính ngôi nhà này.



Ngay gần nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, chỉ cần tản bộ vài phút là chùa Kiến An Cung. Chùa còn có tên là chùa Ông Quách, hơn 100 năm tuổi, mang đậm kiến trúc văn hoá Trung Hoa. Chùa có ba gian: Đông lang, Tây lang và khu chính điện. Mái ngói 3 lớp, mặt trên ngói, giữa gạch, dưới là ngói. Ngói được lợp gợn sóng rồng, tạo mái ngói theo kiểu ngũ hành. Mỗi đầu ngọn sóng là một cung điện thu nhỏ, bao gồm 6 cung điện. Toàn bộ chùa không có kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng. Trên những bức tường là hình ảnh trong Tây Du ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa.


Chùa được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1990, mở cửa từ 6h đến 18h tất cả các ngày trong tuần, vào cửa tự do.



Buổi trưa

Nhắc đến Sa Đéc không ai không biết đến khu Ẩm thực Làng bột Sa Đéc, điểm dừng chân trong ngày của nhiều du khách. Ở đây có hàng chục món bánh dân gian từ bánh ngọt cho đến bánh mặn cùng các loại chè, thu hút nhiều thực khách. Có thể kể đến các món như bánh bèo đậu xanh, tôm chấy miền Tây, bánh đúc mặn, bánh chuối, bánh lá mít, bánh ít trần, bánh bò, bánh đúc, bánh tét, bánh tằm bì, bánh xèo, bánh canh.


Buổi chiều

Cách thành phố Sa Đéc khoảng 15 km là chùa Lá Sen (Phước Kiển Tự), thuộc địa phận huyện Châu Thành. Đây là một trong những điểm đến gây tò mò cho du khách tại Đồng Tháp bởi ngôi chùa có những ao nước đầy lá sen khổng lồ, mỗi lá có đường kính từ 2 đến 3 m. Du khách có thể bước vào những chiếc lá, đứng hay ngồi để chụp ảnh. Lá sen có thể chịu được trọng lượng tới 140 kg.

Du khách tham quan ao sen miễn phí, nhưng để ngồi lên lá sen chụp ảnh thì có dịch vụ bắc ván gỗ đưa lên lá, rồi chụp ảnh. Giá từ 30.000 đồng một lần.


Lưu ý trên đường đi có nhiều nhà dân dựng biển "Gửi xe đi chùa" chào mời dịch vụ xe ôm chở đến chùa. Nếu đi ôtô, du khách nên đến sát cầu mới gửi xe, còn xe máy có thể qua cầu vào trong sân chùa. Hồ phía mặt trước chùa nhỏ, du khách đi vòng qua bên phải sẽ tới hồ lớn, nơi có nhiều lá sen to.



Buổi tối

Ăn tối ở một trong những quán nổi danh Sa Đéc như nhà hàng ẩm thực Thành Phát, nhà hàng Hai Lúa, nhà hàng Tám Thành.

Chuột đồng là món ăn phổ biến và cũng được nhiều người yêu thích. Du khách nên chọn chuột đồng nướng mọi hay chuột đồng quay lu. Chuột sau khi được làm sạch sẽ mang đi ướp các loại gia vị rồi quay chín. Thịt chuột khi quay xong sẽ có mùi thơm, thịt vừa dai mà vẫn mềm. Món này ăn kèm với rau răm, dưa leo. Nếu không ăn được chuột đồng, du khách có thể chọn nhiều món khác cũng phổ biến như cá lóc nướng, lẩu mắm, lẩu cua đồng, lẩu cá linh điên điển.


Nghỉ đêm tại khách sạn ở trung tâm Sa Đéc. Thành phố nhỏ nên không nhiều lựa chọn, du khách nên ở khu vực ven sông, trên các phố Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Nguyễn Tất Thành. Giá phòng dao động từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng một đêm.



Ngày 2


Buổi sáng

Di chuyển đến khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, cách Sa Đéc khoảng 50 km. Đi qua thành phố Cao Lãnh, thủ phủ của tỉnh Đồng Tháp, du khách có thể dừng chân ăn sáng với một trong những món như bún bò, bánh khọt. Nếu vẫn thích ăn hủ tiếu, du khách nên chọn các quán Thùy Quyên, 59, Huyền Mi, Ngọc Hạnh.


Gáo Giồng được xem như lá phổi của Đồng Tháp. Nơi đây có hơn 2.000 ha rừng tràm, 40 ha diện tích đất là nơi sinh sống của các loài chim quý hiếm. Đây là một trong những địa điểm lý tưởng để gần gũi với thiên nhiên. Du khách có thể đi dạo bằng thuyền hoặc ngắm toàn cảnh từ đài quan sát trên cao.


Khu du lịch này có vị trí dễ tìm trên Google Maps, đường đi dễ dàng, tuy nhiên khoảng 3 km từ cổng vào đường khá nhỏ, chỉ đi xe máy hoặc ôtô loại nhỏ.



Buổi trưa

Nhiều năm nay, Đồng Tháp đã xây dựng được danh mục cách chế biến 200 món ăn từ sen để quảng bá giới thiệu đến du khách. Vì thế, sẽ là thiếu sót nếu không thử một bữa ăn với loại đồ thanh đạm mà ngon miệng này. Các món phổ biến gồm cơm hạt sen, gỏi ngó sen, gà hầm sen, canh hầm củ sen, canh hầm hạt sen, canh chua ngó sen, gỏi ngó sen, trà lá sen, chè sen, củ sen sấy muối ớt.

Các địa chỉ cho bữa ăn trưa với các món từ sen: Khu ẩm thực sinh thái Đầm Sen, quán Song Sinh, Cô Ba quán, nhà hàng Đại Nam. Gần Gáo Giồng có Điểm Du lịch Sinh thái Cộng đồng Sen Lê Bo. Đây cũng là nơi có khu ẩm thực với nhiều món ăn từ sen, do chính những nông dân chế biến theo phong cách bình dân. Du khách có thể ngồi thưởng thức đồ ăn ngay đầm sen, vừa thoáng mát vừa tận hưởng hương thơm ngát.


Buổi chiều

Khu di tích Xẻo Quýt là một điểm đến ý nghĩa. Nơi đây rộng khoảng 50 ha, trong đó có 20 ha rừng tràm nguyên sinh, cách thành phố Cao Lãnh 30 km, thuận tiện di chuyển từ cả thành phố Cao Lãnh và Sa Đéc. Khu di tích lịch sử kết hợp sinh thái Xẻo Quýt sẽ mang đến cho du khách cảm giác như lạc vào rừng nguyên sinh với khung cảnh tự nhiên hoang dã. Đến Xẻo Quýt bạn có thể đi bằng đường bộ hoặc đường sông.


Nếu thích len lỏi dưới những tán cây rừng, du khách có thể đi bộ theo con đường độc đạo trong khu di tích, dài khoảng 1,5 km. Được công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 1992, Xẻo Quýt là điểm du lịch về nguồn, là nơi lưu giữ vết tích của thời kỳ đấu tranh gian khổ của quân dân Đồng Tháp.


Ngoài ra, một điểm đến tâm linh nên ghé ở Đồng Tháp là đền thờ ông bà chủ chợ Cao Lãnh, nằm ở đường Lê Lợi, thành phố Cao Lãnh. Đền thờ chủ chợ Cao Lãnh (ông bà Đỗ Công Tường) nổi tiếng linh thiêng khắp vùng, đặc biệt với giới kinh doanh. Nơi đây, cùng với Miếu bà Chúa xứ Núi Sam là những điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo người dân khắp nơi mỗi dịp lễ Tết.



Một vài điểm thay thế


Nếu đến Đồng Tháp dịp gần Tết, du khách nhất định ghé làng hoa Sa Đéc, nơi được xem như vương quốc của các loài hoa. Ngôi làng hơn 100 năm tuổi rực rỡ nhất vào thời điểm năm mới. Vườn quýt hồng Lai Vung cũng là điểm đến lý tưởng dịp gần Tết. Còn nếu đến Cao Lãnh vào thứ bảy, du khách còn có cơ hội tham gia chợ quê Tân Thuận Đông, với nhiều sản phẩm đặc trưng địa phương.

Đồng Tháp còn một điểm đến gây tò mò là chợ chiếu Định Yên, nằm ven bờ sông Hậu, thuộc huyện Lấp Vò, cách thành phố Cao Lãnh khoảng 15 km. Nét độc đáo của chợ là họp vào đêm khuya cho đến 2-3 h nên còn được gọi là chợ ma, chợ âm phủ. Chợ không có sạp hàng, người mua chiếu thường tìm một nơi cố định ngồi chờ, còn người bán thì vác chiếu đi rao hàng.



Theo VnE

Có thể bạn cũng thích