Lượt xem 177
Ẩm thực

32 di sản phi vật thể Quốc gia về ẩm thực Việt Nam P1

Phở Nam Định, phở Hà Nội và mỳ Quảng được công nhận là Di sản Văn hóa phi Vật thể Quốc gia hồi tháng 8, nâng tổng số Di sản Văn hóa phi Vật thể Quốc gia liên quan đến ẩm thực lên 32.

1. Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh)


Xuất xứ của loại bánh tráng phơi sương Trảng Bàng khá đặc biệt. Theo người dân địa phương, vào thế kỷ thứ 18, khi những người dân đầu tiên ở vùng đất Ngũ Quảng, Bình Định đến Tây Ninh khẩn hoang lập ấp, họ đã mang theo nghề làm bánh tráng.


Ban đầu, người thợ chỉ làm bánh tráng nhúng và bánh tráng nướng (bánh đa nướng). Khí hậu ở Trảng Bàng nhiều nắng, rất phù hợp để làm bánh tráng nướng giòn. Mãi đến sau này, người thợ mới sáng tạo ra bánh tráng phơi sương.


Loại bánh tráng này cuốn cùng với rau và thịt, ăn kèm nước chấm trở thành một món ngon khó cưỡng.


Truyền nhân bánh tráng phơi sương

Ảnh: Giang Phương/Thanh Niên


2. Nghề khai thác yến sào Thanh Châu (Quảng Nam)


Bề dày lịch sử của nghề khai thác yến sào Thanh Châu được lưu dấu ở các di tích tín ngưỡng hiện tồn tại ở Hội An như miếu Tổ nghề yến ở Cẩm Thanh; miếu Tổ nghề yến ở Bãi Hương-Cù Lao Chàm; ở các truyền thuyết dân gian về sự tích Nàng Yến, về người phát hiện ra tổ yến ở Cù Lao Chàm...


Cùng với các nguồn tư liệu dân gian, tư liệu ký ức, tại Hội An và Khánh Hòa đang lưu giữ 30 tư liệu văn bản liên quan đến nghề khai thác yến sào thời nhà Nguyễn.


Năm 2016, nghề khai thác yến sào Thanh Châu đã được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Nghiên cứu khoa học và ấp nở chim non bổ sung đàn.

Ảnh: Báo Quảng Nam


3. Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng (Bến Tre)


Lúc ban đầu, làng nghề chỉ làm bánh tráng nem, loại bánh khi ăn phải nhúng qua nước dùng để cuốn, gói với nhiều nguyên liệu khác thành các món cuốn khác nhau.


Vào khoảng năm 1960, bà con mới sáng tạo ra bánh tráng dừa, khi ăn phải nướng lên. Bánh tráng dừa đã trở thành sản phẩm chính của làng nghề, hấp dẫn nhiều người với hương vị thơm, béo, giòn tan.


Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia năm 2018.


Dọc hai bên đường làng nghề Mỹ Lồng là những phên bánh tráng trải dài thẳng tắp

Ảnh: Dân tộc và Phát triển


4. Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc (Bến Tre)


Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc tọa lạc tại xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.


Làng nghề đã tồn tại được hơn 100 năm, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia năm 2018.


Bánh phồng Sơn Đốc nổi tiếng là loại bánh ngon vì là loại bánh khi nướng sẽ nổi phồng, xốp, khi ăn giòn tan trong miệng, không bị cộm vì vụn nếp.


Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Sơn


5. Nghề cốm Mễ Trì (Hà Nội)


Nghề làm cốm ở làng Mễ Trì (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đến nay có bề dày lịch sử hơn một thế kỷ. Trong làng có 2 thôn (thôn Thượng và thôn Hạ) có gần 100 hộ gia đình theo nghề làm cốm.


Khác với các nơi khác, cốm Mễ Trì hoàn toàn là cốm mộc, không pha màu, ăn thơm ngon, mềm dẻo, bùi. Những hạt cốm đến tay người mua được gói tỉ mỉ bằng lá sen, rồi buộc lại bằng những cọng rơm còn xanh trông rất đẹp mắt.


Năm 2019, nghề làm Cốm Mễ Trì được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đã mang lại niềm vinh dự, tự hào lớn cho người dân nơi đây.


Ảnh: Dân trí


6. Nghề làm nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng)


Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) có từ khoảng thế kỷ thứ 18.


Làng nghề này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia từ năm 2019.


Nước mắm Nam Ô nổi tiếng bởi vị mặn mòi của vùng biển miền Trung với bí quyết làm nước mắm “3 cá 1 muối” riêng biệt.


Ảnh: viettimes


7. Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng (Bình Phước)


Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng Bình Phước thuộc loại hình tri thức dân gian, nghề truyền thống được hình thành lâu đời qua nhiều thế hệ, tích lũy qua thời gian.


Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống thể hiện qua cách nhận diện và khai thác phù hợp các nguyên liệu từ tự nhiên như lá cây, vỏ cây rừng.


Cách phối trộn độc đáo giữa các men lá với nguyên liệu như lúa, gạo, tạo ra sản phẩm rượu cần mang lại sự khác biệt về hương vị, độ đậm đà, chất lượng.


Với giá trị tiêu biểu, ngày 20/12/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4597 về việc công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia “Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng tỉnh Bình Phước.”


Lên đại ngàn Tây Nguyên, thưởng thức hương nồng rượu cần men lá | Vietnam+  (VietnamPlus)

Ảnh: TTXVN


8. Nghề muối ba khía (Cà Mau)


Nghề muối ba khía của người dân huyện Ngọc Hiển được hình thành từ rất lâu, với trữ lượng ba khía dồi dào bởi sự ưu đãi của thiên nhiên dành tặng cho người dân xứ biển.


Chính vì sự sinh sôi, phát triển dồi dào của ba khía tươi, người dân tại huyện Ngọc Hiển đã sáng tạo ra nghề muối ba khía để bảo quản được lâu và tạo thêm thu nhập cho gia đình. Nghề muối ba khía được ra đời từ đó.


Nghề truyền thống muối Ba khía được công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia vào cuối năm 2019.


Ảnh: Bảo Kỳ/Dân trí


Còn tiếp...


Theo Vietnamplus

.
Có thể bạn cũng thích