Đầm Chuồn (hay còn gọi đầm Cầu Hai, thuộc hệ thống phá Tam Giang) nằm ở làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15km. Đây là địa điểm quen thuộc trong bản đồ du lịch vùng cố đô của đông đảo du khách thập phương.
Khu đầm nước lợ này sở hữu diện tích lên đến gần 100ha, là khu du lịch sinh thái cộng đồng khá nổi tiếng và hấp dẫn khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng khung cảnh sông nước bình yên, thơ mộng, mang đậm nét đẹp của Huế cổ kính mà còn có cơ hội thưởng thức vô số loài hải sản nức tiếng.
Ảnh: Pham Trong Tin
Du khách có thể thuê một chiếc thuyền lớn, lênh đênh trên đầm trong một giờ với giá khoảng 100.000 - 120.000 đồng và tận hưởng các món ngon ngay tại thuyền như tôm sú nướng, bạch tuộc xào ớt,... Đặc biệt không thể không kể đến món bánh khoái cá kình - đặc sản độc lạ, thơm ngon, bổ dưỡng nhưng giá bình dân, chỉ có ở Huế.
Theo người dân, tên gọi món bánh khoái này xuất phát từ cách làm bánh. Loại bánh này thường được người Huế chế biến bằng cách “đổ bánh” trong các chảo nhỏ trên bếp củi hay bếp than, tương tự như bánh xèo.
Trong quá trình nấu, bếp sinh ra nhiều khói, bay nghi ngút quanh chảo khiến những chiếc bánh này bị ám mùi khói nên người ta gọi là bánh khói. Tuy nhiên, theo cách đọc của nhiều người Huế, “khói” đọc chệch thành “khoái” nên từ đó, món có tên là bánh khoái.
Ảnh: Nhi Hoàng
Món bánh khoái cá kình thoạt nhìn khá đơn giản nhưng đòi hỏi sự kỳ công trong khâu tuyển chọn nguyên liệu. Món ăn này còn đặc biệt ở chỗ, thông thường người bán bánh khoái cá kình ở chợ làng Chuồn không có sẵn. Thực khách muốn ăn phải tự ra khu bán cá trong chợ để mua cá kình rồi mang về cho các o, các mệ đổ bánh xèo chế biến giùm với tiền công từ 3.000 - 5.000 đồng/chiếc.
Muốn chọn được mẻ cá kình ngon, du khách phải đi chợ sớm, khi ngư dân vừa đưa thuyền đánh bắt trở về. Khu chợ cá nổi tiếng nhất ở huyện Phú Vang chính là chợ làng Chuồn. Theo người dân địa phương, cá kình muốn ngon phải chọn con to cỡ 3 đầu ngón tay, thân màu ánh vàng và dày thịt.
Ảnh: @Wofdevil
Trước khi chế biến, cá được đem rửa sạch, để nguyên con. Ruột cá cũng được giữ lại để tăng độ bùi bùi, béo ngậy. Theo quan niệm của người địa phương, ruột cá kình chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe, ăn vào sẽ giúp an thần, ngủ ngon giấc.
Để làm món bánh này, đầu tiên, người ta chiên vàng cá kình trên chảo dầu nóng trước. Loại chảo được sử dụng có kích thước nhỏ, phẳng, vừa đủ tráng chiếc bánh bằng cỡ hai bàn tay chụm lại.
Khi cá chín vàng, dậy mùi thơm thì đổ bột bánh đã được khuấy đều vào, thêm ít rau như giá đỗ, hành lá,... rắc lên trên. Bột bánh phải đổ đều tay, tràn khắp chảo để bánh có độ mềm, mỏng. Chờ chừng 2-3 phút là bánh chín, nhấc khỏi chảo để tránh tình trạng bột bánh còn sống hoặc cháy quá.
Ảnh: Kevin Long
Người địa phương nhận xét, bánh khoái cá kình ngon nhất khi ăn nóng và sử dụng tay không thay vì dùng đũa. Khách gỡ xương cá đến đâu, ăn luôn đến đấy. Cá kình có vị đậm đà, bùi bùi, thịt dai mềm. Còn bánh khoái tuy mỏng nhưng đủ để du khách cảm nhận được độ dai giòn, bùi ngậy của bột gạo, kết hợp chút rau giúp giảm cảm giác ngấy.
Bánh khoái cá kình được ăn cùng với mắm nhĩ, cho thêm ớt và nước mắm chua ngọt. Cá kình thì chấm với nước mắm nhĩ, còn bánh khoái lại chấm nước mắm chua ngọt. Sự kết hợp lạ lùng này mang đến hương vị khó quên cho món ăn.
Ảnh: Nguyễn Kim Ngân
Ảnh: Bánh xèo cá kình O Lợi
Ngoài cá kình, du khách có thể thưởng thức bánh khoái với các loại hải sản đặc trưng khác ở đầm chuồn như tôm, mực, cá dìa,... Mỗi nguyên liệu sẽ tạo nên hương vị khác nhau cho món ăn, đảm bảo làm nức lòng du khách.
Theo VNN