Nằm ở xã Tà Giàng Phình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, núi Ngũ Chỉ Sơn cao 2858m, được xem là đệ nhất hùng sơn của Tây Bắc bởi vẻ đẹp hùng vĩ cùng thảm thực vật phong phú đa dạng. Tên gọi của Ngũ Chỉ Sơn bắt nguồn từ hình dáng, nhìn từ xa 5 ngọn núi nằm sát nhau như năm ngón tay xòe thẳng lên trời tạo nên khung cảnh hùng vĩ và đầy bí ẩn.
15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam là: Fansipan (3.143 m), Pusilung (3.083 m), Putaleng (3.049 m), Ky Quan San (3.046 m), Khang Su Văn (3.012 m), Tả Liên Sơn (2.996 m), Tà Chì Nhù (2.979 m), Pờ Ma Lung (2.967 m), Nhìu Cồ San (2.965 m), Chung Nhía Vũ (2.918 m), Lùng Cúng (2.913 m), Nam Cang Ho Tao (2.881 m), Tà Xùa (2.865 m), Lảo Thẩn (2.860 m), Ngũ Chỉ Sơn (2.858 m).




Ngọn núi này khá dễ leo, nhưng chống chỉ định với những người sợ độ cao. Ngoài Ngũ Chỉ Sơn, Bạch Mộc Lương Tử hay còn gọi là Kỳ Quan San là ngọn núi ấn tượng nhất.
Đỉnh cao nhất trong 5 đỉnh của Ngũ Chỉ Sơn mới được người dân địa phương mở đường lên vào cuối năm 2017 bằng cách lắp một số cầu thang gỗ và dây để giúp du khách có thể lên được đây một cách an toàn. Chóp inox trên đỉnh cũng mới được cắm vào cuối 2018.




Nếu nhanh du khách có thể chỉ mất 8 tiếng để trekking Ngũ Chỉ Sơn, nhưng nếu đi từ từ để lấy sức và chiêm ngưỡng cảnh vật du khách có thể dành ra 2 ngày để chinh phục ngọn núi này. Trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn không có cây cao nên có thể phóng tầm nhìn ra xung quanh rất xa. Từ đây có thể nhìn thấy rõ đỉnh Fansipan, Nhìu Cồ San, Bạch Mộc và Lảo Thẩn. Cảnh tượng ở trên đỉnh rất đẹp, như lạc vào chốn thần tiên, khó có thể tả bằng lời hay bằng hình ảnh.




Kinh nghiệm trekking
- Thứ nhất cần phải chọn người đồng hành có kinh nghiệm, không nên đi solo nếu chưa có nhiều kỹ năng.
- Thứ hai là mang đồ vừa đủ, không nên mang quá nhiều, mà chủ yếu là quần áo gọn nhẹ, áo gió và tấm giữ nhiệt. Trọng Cung hay dùng áo mưa bộ, không phải loại dùng một lần để giữ ấm và không làm mất vệ sinh môi trường xung quanh.
- Thứ ba cần lưu ý vấn đề rèn luyện thể lực trước khi trekking, có thể thực hiện các bài tập như đi bộ leo cầu thang, chạy bền. Trong quá trình trekking cần bù đủ nước, ăn vừa đủ, không ăn quá no.

- Thứ tư là để đỡ mất sức và giữ an toàn trong quá trình trekking, du khách khi đi lên thì dùng chủ yếu mũi chân, lúc xuống thì bằng gót chân.
- Thứ năm là núi ở Việt Nam có đặc thù là nhiều đất và bùn nên giày bộ độ và ủng là hai vật dụng tốt và an toàn nhất. Du khách cũng nên đội mũ trùm, áo dài tay, gang tay để tránh các loại côn trùng và mang theo gậy trekking.
Ảnh: Nguyễn Trọng Cung
Theo VNtravel