Tới địa đạo Củ Chi, du khách sẽ được trải nghiệm hệ thống đường hầm bí mật dưới lòng đất, hệ thống ụ chiến đấu, hệ thống chông, mìn tự tạo, bếp Hoàng Cầm - giấu khói khi nấu, viếng đền Bến Dược - nơi lưu danh những anh hùng của dân tộc thời chống thực dân, đế quốc.
Lịch sử địa đạo Củ Chi gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp, giai đoạn năm 1946 – 1948. Công trình được thực hiện bởi quân và dân xã Tân Phú Trung và xã Phước Vĩnh An nhằm ẩn nấp, cất giữ vũ khí, quân tư trang. Ban đầu, mỗi ngôi làng tại đây đều có một hầm căn cứ riêng, tuy nhiên, do nhu cầu đi lại, vì vậy họ đã kết nối với nhau để tạo nên một hệ thống liên hoàn. Công trình địa đạo Củ Chi hiện nay nối liền 6 xã phía Bắc của địa đạo Củ Chi. Từ công trình này, quân sự có thể dễ dàng liên lạc, che giấu lực lượng, họp bàn những kế hoạch cách mạng.
Điểm du lịch này có tổng chiều dài lên tới 250km, có 3 tầng sâu khác nhau, tầng cao nhất cách mặt đất khoảng 3m, tầng giữa cách mặt đất 6m và tầng sâu nhất cách tới 12m. Đây là một trong 6 công trình nhân tạo nổi tiếng trên thế giới hiện nay. Bên cạnh đó, khu du lịch địa đạo Củ Chi cũng lọt vào top 7 điểm đến kỳ lạ nhất tại Đông Nam Á.
Hệ thống địa đạo được đào từ năm 1946 và diễn ra trong suốt hơn 20 năm. Địa đạo đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Những đường hầm, căn cứ ngầm sâu dưới lòng đất từ 3 đến 12 m; gồm 3 tầng có thể chịu được sức công phá của nhiều loại bom hạng nặng.
Lối vào và thoát thực tế của các chiến sĩ ở địa đạo rất nhỏ, chỉ phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Khi nắp hầm đóng lại được ngụy trang bằng lá khô, đất cát... Không khí được lấy vào địa đạo thông qua các lỗ thông hơi. Dọc theo đó, cứ khoảng 10 - 15 m đều có khoét những lỗ thông hơi và thông gió bí mật lên trên mặt đất, ngụy trang giống như ụ mối đùn.
Trong địa đạo rất hẹp, chỉ cho một người đi và phải cúi sát mặt đất mới di chuyển được. Ngày nay, những đoạn hầm cho khách tham quan đều được lắp đèn.
Các đường hầm theo hình xương sống tỏa ra nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Trong chiến tranh, đối phương liên tục tấn công vào địa đạo bằng đủ phương tiện: bom, bơm nước, hơi ngạt... nhưng do hệ thống được thiết kế có thể cô lập từng phần nên bị hư hại không nhiều. Nhiều đoạn hầm rất nhỏ, chỉ có thể di chuyển bằng cách nằm trườn người chui vào trong. Các đường dẫn đến những tầng có hầm ở và làm việc của lãnh đạo, hầm y tế, ăn uống, chứa lương thực và vũ khí, ổ chiến đấu, giếng nước, bếp, công binh xưởng, nhà may quân trang...Ngày nay, một số hầm được mở lớp đất phía trên, lợp mái, bên trong phục dựng mô hình để du khách dễ hình dung về cuộc sống dưới hầm trong thời chiến.
Bếp dã chiến Hoàng Cầm mang tên người sáng tạo ra, được sử dụng phổ biến trong địa đạo. Loại bếp này có công dụng làm tan loãng khói tỏa ra khi nấu ăn nhằm tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao. Xung quanh bếp đều có những hầm nhỏ dẫn đến các căn cứ ngầm khác. Khu hầm xưởng công binh với mô hình các chiến sĩ đang làm vũ khí, quân trang, quân dụng, đồ dùng sinh hoạt... từ các mảnh bom đạn, lốp xe... thu giữ của đối phương.
Trong khu địa đạo còn trưng bày nhiều máy bay, xe tăng, vũ khí, bom đạn... từng được sử dụng trong chiến tranh. Ở khu Bến Dược có đền tưởng niệm liệt sĩ, khu tái hiện giải phóng và một số trò chơi như bơi, bắn súng sơn, chèo thuyền...
Địa đạo Củ Chi thu hút khách tham quan đông nhất là vào dịp cuối tuần, ngày lễ Tết. Giá vé vào 60.000 đồng một người để tham quan toàn bộ địa đạo, mỗi khu vực đều có hướng dẫn viên.
Địa đạo Củ Chi, vùng đất thép góp phần vào thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ, có tên trong danh sách 20 đường hầm kỳ thú nhất thế giới, theo CNN.
Địa đạo Củ Chi
Địa chỉ: Bến Dược (xã Phú Mỹ Hưng) và Bến Đình (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh
Website: http://diadaocuchi.com.vn/
Theo VnE