Lượt xem 755
Ẩm thực

Bánh thơm hương đồng gió nội

Là đất nước nông nghiệp có lịch sử ngàn năm văn minh lúa nước, lại thêm đất đai phì nhiêu cho hoa màu, cây trái phát triển nên từ bao đời nay, những cư dân đất Việt khéo tay hay làm đã chế biến ra nhiều loại bánh thơm ngon.

Mùa nào thức nấy, thuận theo sản phẩm trồng trọt thu hoạch được, lại thêm các yếu tố văn hóa, nhiều loại bánh đã ra đời trên khắp các vùng miền Việt Nam. Ngày xuân cận kề cũng là lúc người người nhớ về những món ngon truyền thống dân tộc mà làm bánh, mua bánh biếu tặng, thưởng bánh trong không khí đoàn viên.


Thuở ấu thơ, ta vẫn thường nghe kể về sự tích bánh chưng, bánh giầy. Qua bao mùa Tết, thứ bánh cổ xưa, truyền thống bậc nhất ở miền Bắc được gói bằng lá dong bọc gạo nếp trắng, đỗ xanh, thịt lợn vẫn được nhắc đến nhiều nhất. “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” là những thứ mà người xưa chuẩn bị để đón xuân. Còn ngày nay, tuy nhiều phong tục đã mai một, biến chuyển nhưng bánh chưng vẫn là thứ không thể thiếu được khi Tết đến. Nếu miền Bắc có bánh chưng thì miền Trung, miền Nam có bánh tét. Loại bánh này có nhiều nét tương đồng với bánh chưng về nguyên liệu, hương vị, chỉ khác biệt về hình dáng. Bánh chưng vuông vức còn bánh tét hình trụ, thuôn dài.


Bánh chưng


Một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn… có thứ bánh giống với bánh chưng, bánh tét nhưng là gạo nếp được trộn cùng bột than làm bằng cách đốt cây núc nác, vì thế bánh có màu đen nên còn được gọi là bánh chưng đen hay bánh Tày (chủ yếu do người Tày làm). Dù ở miền Bắc hay miền Trung, miền Nam, ngày Tết không thể thiếu bánh chưng, bánh tét, bánh Tày trên ban thờ gia tiên và trong mâm cỗ sum họp gia đình.


Ngoài những loại bánh gói lá phổ biến nhất ở trên, một số địa phương lại có riêng loại bánh độc đáo khác nhưng điểm chung là những thứ bánh truyền thống này đều được làm từ bột gạo nếp hay gạo tẻ, các loại đậu, đỗ rồi thêm nhiều thành phần cũng từ cây cỏ, hoa lá để tạo màu, hương thơm. Người Lạng Sơn có bánh ngải dẻo thơm làm từ bột nếp mang màu xanh đậm của lá ngải. Trước đây, bánh ngải chỉ được làm mỗi dịp lễ Tết nhưng nay, thứ bánh truyền thống được ưa dùng hàng ngày. Từ mâm cỗ cao sang hay bữa cơm giản dị ở xứ Lạng đều dễ gặp những chiếc bánh xanh tròn xinh xắn này.


Bánh đậu xanh


Bánh gai - Bánh pía sầu riêng - bánh su sê


Quê hương của những làn điệu quan họ thì có thứ bánh phu thê hàm chứa câu chuyện ý nhị về đôi lứa. Thứ bánh này luôn được bày bán hay làm tặng phẩm theo cặp vì người Bắc Ninh xưa quan niệm bánh phu thê tượng trưng cho tình yêu vợ chồng. Ba màu sắc cơ bản của bánh phu thê đều có ý nghĩa riêng: màu xanh của lớp áo ngoài từ lá dong ngụ ý cho sự thủy chung, màu hồng của lạt buộc gợi nhớ về sợi tơ hồng se duyên, màu vàng của lớp vỏ bánh được tạo màu từ quả dành dành thì nhắc nhở mỗi cặp đôi luôn cần yêu thương nhau.


Bánh tét


Có một thứ bánh mà vỏ bột màu đen, nhân đỗ vàng óng mịn, khi dùng bánh phải tước nhẹ nhàng từng thớ lá chuối bọc bên ngoài bởi bột bánh dẻo, dính khiến thực khách không thể vội vàng. Đó là bánh gai - loại bánh được cho là có nguồn gốc từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, nhưng nếu điểm danh thì khá nhiều địa phương có thứ bánh ngọt ngào, thơm hương lá gai này. Từ Tuyên Quang đến Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình qua Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, tỉnh nào cũng có món bánh gai được làm từ nguyên liệu cơ bản là lá gai sơ chế theo bí quyết riêng để ra bột khô hay nước cốt rồi trộn cùng bột nếp, thêm nhân đỗ xanh, dừa, lạc, vừng…


Bánh chưng gù


Đi tiếp vào một số tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Huế, Bình Định, Phú Yên… vẫn là từ lá gai cho ra bột bánh màu đen, nhưng hình dạng bánh được gói như những chiếc kim tự tháp xinh xắn và có tên là bánh ít lá gai. Những chiếc bánh từ lá gai là thứ quà quê được thực khách nhớ mãi bởi sự dẻo thơm, bùi béo.


Theo Heritage

Có thể bạn cũng thích