Ghé làng nghề 200 tuổi, khách tự tay tráng bánh, làm đặc sản nức tiếng Cần Thơ
Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng đã tồn tại và phát triển khoảng 200 năm. Theo thông tin từ Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, ở làng nghề này hiện chỉ còn khoảng 75 hộ hoạt động thường xuyên phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu sang Campuchia, 41 hộ sản xuất theo thời vụ trong dịp Tết. Các hộ chủ yếu sản xuất với dạng lò thủ công tráng bánh bằng lò trấu, trong đó có 4 hộ đầu tư sản xuất tráng bánh bằng máy. Dù bánh tráng xuất hiện ở nhiều nơi nhưng bánh tráng Thuận Hưng lại được nhận xét là ngon và nổi tiếng hơn, bất kỳ du khách nào tới đây cũng muốn được một lần thưởng thức. Ở làng nghề Thuận Hưng sản xuất 4 loại bánh tráng: mặn, lạt, ngọt, dừa. Loại bánh mặn có nhiều muối nên bảo quản được lâu hơn, còn bánh lạt gây ấn tượng bởi vị giòn, ngon. Bánh nem có kích thước nhỏ và bánh dừa được pha thêm nước cốt dừa cùng với mè. Mỗi loại bánh đều có hương vị đặc trưng riêng và kích thước khác nhau. Theo người dân địa phương, để làm bánh tráng ngon đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo cùng bí quyết riêng. Gạo phải được tuyển chọn từ loại gạo đặc trưng của vùng đất Thốt Nốt, gạo gặt về để đến khoảng nửa năm mới làm. Vì gạo mới quá thì khi nhúng nước bánh sẽ bị rã, nướng không giòn đều, gạo cũ quá thì khi nướng bánh xốp nhưng không còn giữ được vị ngọt. Hơn nữa, người dân Thuận Hưng cũng có bí quyết riêng trong khâu pha bột. Để làm bánh tráng ngon, người dân ở Thuận Hưng phải điều chỉnh lượng bột sao cho phù hợp với dụng cụ chuyên dụng là gáo. Mỗi gáo bột tương ứng với một chiếc bánh. Bột gạo sau khi xay được đổ lên tấm mùng (hay còn gọi là vải màn) căng trên nồi nước sôi đang bốc hơi. Tiếp đến là khâu tráng bánh, đòi hỏi những người làm phải có kinh nghiệm và sự khéo léo. Theo người dân địa phương, bí quyết để tráng bánh ngon, mỏng và không bị nát là cần đảm bảo lửa nhỏ và tráng bánh đều, nhanh tay. Bánh tráng được hấp bằng hơi nước khoảng 15 giây là chín. Khâu lấy bánh cũng rất quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa người tráng và lấy bánh. Bánh sau khi tráng sẽ rất mỏng và ướt nên dễ bị rách, người tráng phải khéo léo một tay cầm bánh, tay còn lại nâng bánh đặt vào phên. Cuối cùng là công đoạn phơi bánh. Ngoài yếu tố thời tiết, người Thuận Hưng phải căn giờ phơi và phơi cẩn thận sao cho bánh không bị cong vênh, giữ được vẻ ngoài nguyên vẹn, đẹp mắt. Nếu trời nắng, bánh được phơi khoảng 30 phút là khô, được lấy khỏi phên và sắp xếp lại thành từng chồng. Nếu phơi lâu, bánh quá giòn, dễ bị vỡ, không đảm bảo về chất lượng và tính thẩm mỹ. Bánh tráng Thuận Hưng có 4 loại, tương ứng 4 vị gồm: bánh tráng ngọt, bánh tráng mặn, bánh tráng dừa. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân trong và ngoài tỉnh, món bánh nổi tiếng này còn được xuất khẩu sang Campuchia, trở thành đặc sản được nhiều người yêu thích, tìm mua thưởng thức. Du lịch Cần Thơ, ngoài trải nghiệm tại làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, du khách có thể kết hợp ghé thăm một số địa điểm cùng hướng di chuyển với làng nghề này như: Chùa Pothisomron; Đình Bình Thủy – 1 trong 3 nơi có hội đình lớn nhất miền Tây; Nhà cổ Bình Thủy,… hay khám phá chợ nổi Cái Răng, chùa Ông, khu di tích Giàn Gừa. Ảnh: Hoang Khanh Nguyen/2nd Home Vietnam Theo VNN